Sử dụng hiệu ứng phản chiếu và khéo léo trong việc lựa chọn góc chụp, người dùng điện thoại có thể ghi lại các bức hình độc đáo theo phong cách Puddlegram.
Chụp ảnh bóng nước hay còn gọi bằng tên "puddlegram" (xuất phát từ mạng chia sẻ ảnh Instagram), là thể loại rất phổ biến trong thế giới nhiếp ảnh di động. Bằng chứng là khi tìm kiếm với hastag #puddlegram sẽ có hàng trăm nghìn kết quả. Phong cách này tận dụng hiệu ứng phản xạ của mặt nước, người chụp tạo ra những bức hình có bố cục đối xứng hay cho góc nhìn mới lạ.
Bức hình chụp đường phố Sài Gòn theo phong cách Puddlegram. Ảnh: Trang Hoài Hưng.
Một trong những lý do mà puddlegram trở nên phổ biến với nhiếp ảnh di động những năm gần đây là khả năng ghi hình linh hoạt của điện thoại. Hầu hết mọi người đều có smartphone và luôn sẵn sàng trong túi bất kể đi đâu hay làm gì. Đi trên đường và thấy một vũng nước, bạn dừng lại chụp, điều này khó có thể thực hiện với máy ảnh chuyên dụng. Ngoài ra, chất lượng chụp ảnh từ điện thoại ngày càng được nâng cao và thiết kế nhỏ gọn cũng là những lợi thế khi chụp với thể loại này.
Điều đầu tiên và cũng đóng vai trò quan trọng nhất khi chụp ảnh soi bóng là tìm được bề mặt phản chiếu. Không nhất thiết phải có hồ rộng, biển lớn mà chỉ cần một vũng nước vừa phải. Bạn nên chọn những mặt nước tĩnh lặng, không bị gợn bởi đất cát nổi lên, tàn thuốc lá hay các cành cây lớn... Gió cũng là yếu tố tác động không nhỏ khi chụp puddlegram bởi nó sẽ khiến mặt nước gợn sóng, đôi khi người chụp cần kiên nhẫn chờ đợi hoặc lựa chọn những vũng nước phù hợp.
Hãy thử các góc chụp khác nhau bởi điện thoại rất nhỏ gọn và bạn có thể dễ dàng xoay đủ các hướng. Nên để camera càng gần mặt nước càng tốt, có thể bạn cần xoay ngược điện thoại để làm điều này và cũng đừng ngại cúi gập người để có những góc chụp tối ưu. Một kỹ thuật để có bức ảnh puddlegram mới mẻ là trực tiếp đứng trong vùng phản chiếu của vũng nước, nó sẽ cho phép chụp chính bạn để cho ra bức hình "puddle selfie".
Người chụp có thể xuất hiện trong chính ảnh của mình - "selfie puddle". Ảnh: Instagram.
Giống như các thể loại ảnh khác, chụp soi bóng sẽ thuận lợi hơn khi ghi hình vào "giờ vàng" - buổi sáng sớm khi mặt trời mới lên hoặc lúc hoàng hôn. Lúc này ánh sáng không qua mạnh nhưng cũng không quá yếu, ngoài ra, việc xuất hiện mặt trời hay các tia sáng trong ảnh sẽ tăng tính nghệ thuật cho tác phẩm. Trên smartphone, đừng quên thử bật chế độ HDR để tạo ra các bức ảnh có độ tương phản cao, gây ấn tượng cho người xem.
Với puddlegram, người chụp có thể tạm bỏ qua quy tắc 1/3 để thay bằng những hình có bố cục đối xứng. Hãy chọn đường giao cắt của mặt nước làm điểm chia bức hình làm hai phần. Lúc này, lưới (grid) trên ứng dụng camera sẽ giúp ích cho người chụp. Bạn có thể mở với iPhone bằng cách vào Settings > Photo & Camera và bật Grid.
Nếu chụp ban đêm, đừng quên tận dụng hiệu ứng ánh sáng từ đèn đường, các phương tiện giao thông. Trên smartphone tầm trung và cao cấp có tính năng khóa lấy nét, phơi sáng, điều chỉnh EV... sẽ giúp người dùng tạo ra các tác phẩm ấn tượng hơn. Những chân máy nhỏ gọn thiết kế riêng cho smartphone sẽ hữu ích khi chụp thiếu sáng.
Những vũng nước nhỏ trên đường cũng đủ để người chơi tác nghiệp. Ảnh: Instagram.
Với bất kỳ thể loại ảnh nào thì việc hậu kỳ cũng quyết định không nhỏ tới thành quả. Những phần mềm chỉnh sửa được nhiều người chơi ảnh di động gợi ý là Snapseed, Photoshop Fix, Photoshop Express, VSCO Cam, Afterlight hay Instagram... Điều đầu tiên cần làm là "chuẩn hóa" bố cục ảnh bằng cách crop sao cho đường chân trời nằm chính giữa, bức ảnh trông đối xứng. Bên cạnh đó, các ứng dụng trên smartphone hiện nay cho phép can thiệp sâu, chỉnh sửa màu theo vùng, tạo các layer phức tạp... sẽ là "trợ thủ" để người dùng cho ra các tác phẩm có chất lượng cao.
Một số ảnh Puddergram của người chơi tại Việt Nam:
Theo Sohoa
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét