Những phương pháp sau đây sẽ giúp cho trình độ nhiếp ảnh của bạn ngày càng được nâng cao, mang lại những tác phẩm nghệ thuật lôi cuốn người xem.
Quên đi chế độ Auto
Kỹ năng quan trọng nhất mà bạn cần để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là khả năng điều khiển chiếc máy ảnh theo ý muốn của mình một cách hoàn toàn thủ công. Nếu muốn có một bức ảnh đẹp, bạn cần phải đưa ra quyết định sẽ điều chỉnh mọi thông số trên máy như thế nào. Thay vì “giao phó” cho máy ảnh làm tất cả mọi thứ bằng cách chọn chế độ tự động (Auto), bạn có thể chụp ở chế độ điều chỉnh bằng tay (M) hoặc một trong các chế độ ưu tiên chẳng hạn như ưu tiên khẩu độ (Av) hay ưu tiên tốc độ (Tv).
Chế độ Auto chỉ dành cho những người mới bắt đầu.
Để thoát khỏi chế độ tự động, bạn cần phải nắm rõ về mối quan hệ giữa tốc độ màn trập, khẩu độ và độ nhạy sáng ISO. Bạn có thể bắt đầu chụp ảnh theo cách mình muốn chứ không phải chỉ để cho máy ảnh quyết định mọi thứ. Chẳng hạn, trong trường hợp muốn có một bức ảnh chụp chân dung xóa phông với phần hậu cảnh được làm mờ, hay một bức ảnh lung linh với nền bokeh huyền ảo, bạn cần phải điều chỉnh khẩu độ lớn hơn. Ngược lại, nếu muốn tất cả mọi thứ trong bức ảnh chụp phong cảnh hoàn toàn sắc nét thì bạn cần phải điều chỉnh khẩu độ nhỏ lại.
Sử dụng ống kính góc rộng
Trong nhiếp ảnh, tiêu cự 50mm được chọn là tiêu cự chuẩn và thường được gọi là tiêu cự “normal” cho định dạng phim 35mm. Ống kính 50mm vì thế cũng được gọi là ống normal nhằm phân biệt với ống kính zoom để chụp gần hay ống kính tele để chụp xa. Sở dĩ 50mm được xem là tiêu cự chuẩn vì khi ngắm chụp qua ống kính tiêu cự này, hình ảnh không hề bị hiện tượng méo hình hay bị thay đổi kích thước so với thực tế. Ống kính có tiêu cự 50mm khi gắn trên máy phim 35mm sẽ cho trường nhìn, góc nhìn tương đương với mắt thường của con người.
Ảnh chụp bằng ống kính góc rộng cho thấy nhiều sự vật hơn.
Trong khi đó, ống kính góc rộng (wide-angle lens) là những ống kính có chiều dài tiêu cự nhỏ hơn nhiều so với tiêu cự chuẩn 50mm của định dạng phim 35mm. Ống kính góc rộng thường có góc nhìn rất rộng nên có thể bao quát cả một không gian lớn trong bức ảnh. Chính vì điều này mà ống kính góc rộng rất thích hợp cho thể loại chụp ảnh nội thất, ảnh phong cảnh - khi người chụp không thể di chuyển xa hơn khỏi khung cảnh cần chụp. Ống kính góc rộng còn được dùng để nhấn mạnh sự khác biệt về khoảng cách giữa chủ thể với tiền cảnh và hậu cảnh, vì với loại lens này thì đối tượng chụp càng gần máy sẽ có kích thước càng lớn và ngược lại.
Trong định dạng phim 35mm, ống kính góc rộng thường có tiêu cự nằm trong khoảng từ 24mm đến 35mm. Những ống kính có chiều dài tiêu cự nhỏ hơn 24mm được gọi là ống siêu rộng (ultra/super wide-angle lens). Ống kính góc rộng cũng có dạng tiêu cự cố định (ống fix) và loại zoom với chiều dài tiêu cự thay đổi được. Cho dù mục đích chụp ảnh của bạn là gì, hãy thử dạo quanh với chiếc máy ảnh trang bị một ống kính góc rộng. Ảnh chân dung, ảnh đường phố, thể thao, phong cảnh hoặc bất cứ thể loại nào khác, bạn sẽ thấy rằng sự thay đổi trong góc nhìn có thể làm điều kỳ diệu cho bức ảnh của bạn.
Đến càng gần càng tốt
Có thể nói, máy ảnh PnS (Point and Shoot) có phạm vi zoom vượt xa hơn bất kỳ model ống kính cho máy ảnh DSLR phổ thông nào hiện có trên thị trường. Mới đây, Nikon đã giới thiệu mẫu máy ảnh trang bị khả năng zoom quang học lên đến 83x với chiều dài tiêu cự ống kính lên đến 2.000mm; và khả năng phóng đại này chỉ có trên những mẫu ống kính DSLR trị giá hàng nghìn USD.
Hãy đi đến càng gần đối tượng muốn chụp càng tốt.
Điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ chiếc máy ảnh DSLR đang có để tậu thêm một model máy ảnh PnS siêu zoom. Thay vào đó, hãy tận dụng những thiết bị đang có và đơn giản là hãy đi đến càng gần đối tượng muốn chụp càng tốt. Đừng lười biếng đứng yên một chỗ để chụp. Việc tiếp cận đối tượng cần chụp là một lựa chọn lý tưởng khi bạn muốn ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất. Bạn có thể chụp hoa, chụp chân dung hay các vật thể khác. Nói chung, cự ly gần của ảnh cận cảnh cho phép tạo ra những bức ảnh gây ấn tượng mạnh.
Sử dụng phần mềm Lightroom
Nếu thực sự muốn có những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật, bạn nên học cách sử dụng phần mềm quản lý và chỉnh sửa hình ảnh Lightroom của hãng Adobe, vốn được xem như là “phòng tối” của các nhiếp ảnh gia thời kỹ thuật số. Phần mềm này mang đến nhiều tính năng xử lý ảnh từ cơ bản đến nâng cao cho người dùng. Lightroom khá đơn giản để sử dụng. Bạn chỉ cần dành khoảng một ngày để đọc tài liệu hướng dẫn sử dụng và sau đó có thể bắt tay vào thực hành ngay. Lightroom giúp hoàn thiện những ảnh chụp của bạn với bộ công cụ điều chỉnh mạnh mẽ và tiện dụng.
Lightroom là một trong những công cụ không thể thiếu đối với nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Hồi tháng 10/2015, Adobe từng khiến không ít fan hâm mộ thiết bị iOS cảm thấy phấn khởi khi miễn phí hoàn toàn Lightroom. Tiếp theo đó, hãng cũng chính thức miễn phí Lightroom cho cả người dùng nền tảng Android. Nhờ vậy, người dùng hiện tại không còn phải mất nhiều thời gian cho việc chuyển hình ảnh thô từ smartphone qua máy tính để tiến hành chỉnh sửa như trước đây mà thay vào đó có thể tùy chỉnh ảnh chụp một cách dễ dàng ngay trên thiết bị di động.
Bật máy lên và đi
Nhiếp ảnh là một trong những hình thức nghệ thuật thú vị. Những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp thường là những bức ảnh được chụp trong hoàn cảnh phù hợp và đúng lúc. Tuy nhiên, để được như vậy thì trong hầu hết các trường hợp người chụp cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh và phải thực hiện càng nhiều trải nghiệm càng tốt.
Hãy chuẩn bị sẵn sàng để bắt được những khoảnh khắc độc đáo.
Bạn cần phát triển kỹ năng bố cục ảnh, học cách tận dụng các nguồn ánh sáng và nhiều thứ khác nữa. Có thể sẽ mất rất nhiều thời gian của bạn để làm điều đó. Để chụp những bức ảnh tuyệt đẹp tại một thời điểm vàng, vốn là những sự kiện xảy ra chỉ trong hai hoặc ba giây, bạn cần phải thực sự làm chủ chiếc máy ảnh của mình. Để tối đa hóa cơ hội tạo ra những kiệt tác nhiếp ảnh ngẫu hứng, bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng mọi lúc. Không có gì tệ hơn là nhìn thấy những hình ảnh hoàn hảo nhưng bạn không thể “tóm lấy” những khoảnh khắc đó vì chưa kịp mở nắp ống kính hoặc máy ảnh bị hết pin.
Theo Pcworld
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét